arrow image

Chuyên gia Cấn Văn Lực nói về bối cảnh mới của thị trường bất động sản

Tại Hội nghị VRES 2024, chuyên gia kinh tế cấp cao Cấn Văn Lực nói về bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang và sẽ thay đổi đáng kể. Ông cho rằng thị trường cần chuẩn bị tâm thế mới để đón vận hội mới.

Lạm phát không còn là mối lo ngại

Nhìn lại 3 năm qua (2022-2024), nền kinh tế thế giới gần như đi ngang, điểm tích cực theo ông Lực là không bị suy thoái như dự báo ban đầu.

Diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế thế giới cho thấy, tăng trưởng toàn cầu 2024 dự kiến tương đương năm ngoái khi đạt 3.23%; còn Việt Nam khoảng 6.6%. Đây là con số mà theo chuyên gia kinh tế cấp cao Cấn Văn Lực “chúng ta không làm gì cả, không có cách mạng thì vẫn giữ được tăng trưởng 6.5-6.7%, còn nếu quyết tâm làm cách mạng thì có thể đạt hơn 7%”.

Song hành với tăng trưởng kinh tế là vấn đề lạm phát. Theo thống kê và dự báo ông Lực, ngoại trừ năm 2020 kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm do dịch COVID-19 thì mức bình quân cho giai đoạn 2019 đến 2026 là 3-3.2%, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát. Điều này cho thấy kinh tế thế giới khó khăn và bất định hơn, song Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng 7% là một kỳ tích rất lớn, ông Lực nhận định.

Hiện nay thế giới đã qua đỉnh lạm phát và dự báo từ nay tới hết 2026, giá các mặt hàng hóa cơ bản như năng lượng, lương thực thực phẩm, kim loại… tương đối ổn định; giá dầu xoay quanh khoảng 75-80 USD/thùng, không quá cao, thậm chí có thể giảm xuống 70USD nếu các nước bắt đầu tung ra năng lượng hạt nhân, hoặc nhiều nguồn năng lượng phi hóa thạch khác như châu Âu, Mỹ đang triển khai thời gian qua.

Do đó, khi lạm phát không còn là mối lo ngại trong giai đoạn 2024-2025, các nền kinh tế bắt đầu giảm lãi suất. Chuyên gia dự báo Mỹ cũng như các ngân hàng hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn sẽ còn cắt giảm lãi suất đến cuối 2026 và có thể về khoảng 3.5-3.6%. Hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, Việt Nam cũng trong lộ trình tương tự khi quyết định giảm lãi suất từ tháng 3/2023, về cơ bản chúng ta vẫn đang giảm lãi suất cho vay từ thời điểm đó đến hiện tại, so với thời kỳ cao điểm thì ước tính đã giảm khoảng 3 điểm %.

Ông Lực đánh giá lãi suất đang khá thuận lợi đối với thị trường bất động sản trong năm ngoái và năm nay. Tuy nhiên vì sao người dân chưa mạnh dạn vay nhiều tiền để mua nhà. Lý do chính là bất cập giá nhà quá cao.

Rủi ro nào lớn nhất đối với nền kinh tế?

Nói về rủi ro lớn đối với nền kinh tế, theo chuyên gia lớn nhất chính là rủi ro địa chính trị hiện còn rất phức tạp, gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng; kết quả bầu cử ở nhiều nước, nhất là Mỹ (với sự trở lại của Tổng thống Donald Trump). Thứ hai là lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao. Thứ ba, đà phục hồi chậm lại ở một số nước (Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024-2025 giảm nhẹ so với năm 2023, sẽ phục hồi dần trong năm 2026. Thứ tư, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường.

Tuy nhiên, Việt Nam làm rất tốt việc ổn định chính trị và phát triển. Bằng chứng là tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở top đầu khu vực trong năm nay, và dự báo năm tới có thể đạt khoảng ít nhất 6.8%, lạm phát 3.5-4%. Lãi suất duy trì mức thấp, thu nhập bình quân đầu người cao hơn trước dịch COVID-19 khoảng 20%, các yếu tố này là tiền đề để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới, ông Lực nhận định.

Song thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng khá nhiều, chuyển biến theo chiều hướng thận trọng hơn, thông minh hơn và tiết kiệm hơn, ông Lực lưu ý.

Triển vọng bất động sản trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh mới thị trường bất động sản đón trợ lực từ đột phá thể chế, cách mạng về tổ chức – bộ máy, tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, quy hoạch các cấp được hoàn thiện; đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh. Nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì. Cung – cầu còn mất cân đối và giá bất động sản còn cao, nhưng đang tiến tới cân bằng hơn, phù hợp hơn.

Vị chuyên gia gợi ý một số giải pháp đối với doanh nghiệp bất động sản như kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; tiếp tục cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, nợ đáo hạn…; phấn đấu giảm giá và/hoặc bình ổn giá bất động sản ở một số dự án, phân khúc (khuyến mại phù hợp), chấp nhận biên lợi nhuận nhỏ hơn nhưng bền vững; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế – phí, tín dụng, cơ cấu lại nợ; các nghị quyết của trung ương, Quốc hội, Chính phủ…); đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm, đối tác; chủ động chuyển đổi xanh, kiến tạo bất động sản xanh, chuyển đổi số; chủ động và chuẩn bị tốt cho thực thi các luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản…) mới, các nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực và “đột phá về thể chế, cách mạng về tổ chức – bộ máy”; tận dụng cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia…

asset image
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
[contact-form-7 id="09a9d01" title="Form ứng tuyển ngay_copy"]
message message
call
0908311115